Trong điều trị ung thư dạ dày, các giải pháp thường thấy là hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Với khoa học hiện đại, sự kết hợp chính xác các phương pháp theo phác đồ điều trị phù hợp đã đem đến cơ hội sống cho nhiều người mắc bệnh ung thư.
Tác dụng phụ của các phương pháp điều trị bệnh ung thư dạ dày phụ thuộc vào loại thuốc được sử dụng và cơ địa của mỗi người. Thuốc tác động lên tế bào, giúp chống nhiễm trùng, tuy nhiên ảnh hưởng là trên toàn cơ thể, vậy nên các tế bào lành tính cũng bị tác động mạnh, cơ thể trở nên kém đề kháng, dễ bị nhiễm trùng hoặc chảy máu.
Đối với hóa trị
Tác dụng phụ của hoá trị bệnh ung thư dạ dày tuỳ thuộc chủ yếu vào loại thuốc và thay đổi tuỳ vào sự phản ứng của mỗi người. Thuốc chống ung thư tác động lên những tế bào phân tử, chia nhanh cả những tế bào máu, những tế bào này giúp chống lại sự nhiễm trùng, tạo lập cục máu đông, chuyên chở ô xy đến tất cả các phần của cơ thể. Khi những tế bào máu bị tác động bởi thuốc chống ung thư, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng hơn, dễ bị bầm máu hoặc chảy máu và cơ thể rất yếu.
Khi hoá trị, bệnh nhân ung thư dạ dày có thể bị những tác dụng phụ đặc biệt như: buồn nôn và ói mửa và rụng tóc. Những tác dụng phụ này sẽ biến mất dần dần trong giai đoạn phục hồi giữa đợt điều trị hoặc sau khi ngừng điều trị.
Đối với xạ trị
Tác dụng phụ chủ yếu khi xạ trị là là buồn nôn và tiêu chảy. Biểu hiện ở vùng da xạ trị thường khá rõ rệt, đỏ và ngứa. Đối với những trường hợp này, người nhà cần đặc biệt chú ý điều chỉnh khẩu phần ăn để bệnh nhân giảm bớt cảm giác ghê cổ và có đủ sức khỏe thực hiện tiếp quá trình điều trị.
Bệnh nhân ung thư dạ dày thường mệt trong lúc xạ trị đặc biệt là ở những tuần lễ sau đó. Do đó, nghỉ ngơi là điều quan trọng.
Đối với phẫu thuật
Phẫu thuật ở điều trị ung thư dạ dày thường là cắt bỏ một phần dạ dày, gây đau quặn, tiêu chảy, buồn nôn. Các triệu chứng thường tồn tại khoảng từ 3 tháng tới 1 năm. Tới bữa ăn, các biểu hiện lại càng rõ nét. Bởi lẽ dạ dày sau phẫu thuật còn yếu, về cơ bản chưa hoạt động bình thường, khi dịch và thức ăn tràn vào có thể phản ứng không kịp, làm bệnh nhân choáng váng và nôn mửa.
Một thời gian sau phẫu thuật, hoạt động của bệnh nhân ung thư dạ dày bị hạn chế để giúp làm lành vết thương. Vài ngày đầu của hậu phẫu, bệnh nhân được cho ăn theo chế độ đặc biệt. Trong vài ngày kế tiếp, có thể ăn được chất lỏng, tiếp theo là thức ăn mềm, rồi đặc và cuối cùng mới được ăn bình thường. Những người bị cắt toàn bộ dạ dày không thể hấp thu được vitamin B12, mà nó lại rất cần cho việc tạo máu và thần kinh, vì vậy họ cần được uống bổ sung vitamin B12.
Lời khuyên từ các bác sĩ đó là thay đổi chế độ ăn của bệnh nhân, bỏ bớt đường và protein khó tiêu hóa. Các thói quen khi ăn cũng cần điều chỉnh, không nên ăn tập trung vào một số bữa, nên ăn thành nhiều bữa, không uống khi ăn để giảm lượng dịch.Triệu chứng thường biến mất trong vòng từ 3 - 12 tháng, nhưng cũng có thể tồn tại rất lâu.
Sau khi cắt dạ dày, mật trong ruột non có thể trào ngược vào phần dạ dày còn lại hoặc vào thực quản, gây nên những triệu chứng rối loạn tiêu hoá. Bác sĩ có thể cho thuốc để kiểm soát những triệu chứng này.
Liệu pháp sinh học
Các liệu pháp sinh học có tác dụng đáng kể trong hạn chế triệu chứng bệnh ung thư dạ dày nhưng đi kèm nó cũng là tác dụng phụ lớn hơn cả, có nhiều liệu pháp gây nên tình trạng ớn lạnh, sốt, buồn nôn và tiêu chảy ở người bệnh. Đôi khi biểu hiện còn rõ ràng trên cả da như phát ban. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân cần phải nhập viện để điều trị.
Khuê Minh/ Nguồn: Báo Vietnamnet