Cây Bồ Công Anh Lùn, cây bồ công anh thấp công dụng tác dụng

Bồ công anh thấp chữa rất nhiều loại bệnh khác nhau như các bệnh gan mật (viêm ống mật mãn tính, viêm gan, xung huyết gan, suy gan, vàng da, sỏi mật); các bệnh đường tiêu hoá (rối loạn tiêu hoá, kém ăn, viêm ruột kết, táo bón, trĩ); Sỏi thận, tiểu tiện khó, suy thận, tăng cholesterol-huyết, xơ vữa động mạch, béo phì; các bệnh ngoài da (mụn nhọt, chảy máu mủ, mụn cóc, eczema, trứng cá, nấm); thấp khớp, thống phong, thiếu máu, suy nhược. Tác dụng chống ung thư trên tế bào ung thư biểu mô mũi-thanh quản người in vitro; trên tế bào ung thư bạch cầu dòng lympho, tế bào sarcom 180 và tế bào gây u gan ở chuột nhắt trắng.

Cây Bồ Công Anh Lùn - Taraxacum officinale F. H. Wigg.

Ngành Ngọc Lan (Magnoliophyta)

Lớp Ngọc Lan (Magnoliopsida)

Phân Lớp Cúc (Asteridae)

Bộ Cúc (Asterales)

Họ Cúc (Asteraceae)

Chi Taraxacum G. H. Weber ex Wigg.

Tên khác: Bồ công anh Trung quốc, Sư nha.

Tên khoa học: Taraxcum officinale F. H. Wigg.

Tên đồng nghĩa: Taraxacum dens – leonis Desf., Lontodon taraxacum L.

Tên nước ngoài: Dendelion (Anh); pissenlit, laitne des chiens, salde taupe, couronne de moine

Mẫu thu hái tại: Được lưu tại Bộ môn Thực vật-Khoa Dược.

Số hiệu mẫu: BCA0510

Cỏ cao 20-45 cm. Thân rất ngắn, rễ mập, toàn cây có nhũ dịch trắng như sữa. Lá đơn, mọc chụm ở gốc thành hình hoa thị; phiến lá hình bầu dục thuôn dài, kích thước15-30 x 3-4 cm; phiến lá xẻ thùy lông chim 4-5 đôi đều nhau, đỉnh nhọn, 1-2 cặp thùy gần cuống có khía răng nhọn, phiến lá men dần xuống cuống. Lá màu xanh lục, mặt trên đậm hơn mặt dưới; gân lá hình lông chim màu trắng xanh, 4-6 cặp gân phụ nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá dẹp, mặt trên phẳng mặt dưới lồi ít, gốc phình ra và mỏng; dài 4-5 cm, rộng 0,5-0,7 cm; màu đỏ tía nhạt, mép cuống màu nhạt hơn.

Lá có lông ngắn thưa, màu trắng, mặt trên nhiều hơn mặt dưới. Cụm hoa là đầu đồng giao, đường kính 3-4 cm, trục cụm hoa dài 14-26 cm, mọc từ nách lá, rỗng bên trong, 1/2 trên và 4 cm phần đáy trục màu đỏ tía nhạt, còn lại màu xanh phớt đỏ, trên trục có ít lông trắng, mảnh, nhiều hơn ở đáy.

 
Tổng bao lá bắc hình chuông gồm 4 vòng lá bắc hình dải hẹp, màu xanh lục, đỉnh màu đỏ tía nhạt: 3 vòng ngoài kích thước 0,8 x 0,15 cm, xòe ra và cong xuống; vòng trong kích thước 1,8 x 0,15 cm. Hoa không đều, lưỡng tính, mẫu 5. Đài biến đổi thành một vòng lông màu trắng, dài 0,5-0,6 cm, trên lông có nhiều gai nhọn. Cánh hoa 5; ống tràng hẹp màu trắng, cao 0,6 cm, nơi tiếp giáp phiến có lông trắng ngắn, phía trên xòe thành 1 phiến hình lưỡi màu vàng hướng về phía trước, đỉnh phiến có 5 răng tròn, 1/2 đáy phiến có lông trắng ngắn.
 
Những hoa bìa phần giữa phiến có màu hồng nâu nhạt. Nhị 5, đều, dài 1,9 mm, đính trên ống tràng xen kẽ cánh hoa, rời ở chỉ nhị, bao phấn dính thành ống bao quanh vòi nhụy. Chỉ nhị dạng sợi mảnh, gốc màu vàng nhạt, phía trên màu trắng. Bao phấn thuôn, mảnh, màu trắng, dài 400 µm, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính đáy, đáy có 2 tai dạng sợi choãi ra, đỉnh có phụ bộ hình tam giác cao 125 µm. Hạt phấn hình bầu dục có gai, màu vàng, rời, kích thước 20 µm. Lá noãn 2, bầu dưới 1 ô, 1 noãn, đính noãn đáy. Khoảng 0,15-0,2 cm phía dưới bầu noãn phình to, màu trắng và có 10 sóng dọc, phần trên của chỗ phình có những gai nạc; 0,1-0,15 cm phía trên thuôn hẹp dài, màu trắng xanh, đỉnh hơi loe màu xanh nhạt; 1 vòi nhụy dạng sợi màu vàng nhạt, dài 1 cm, đính ở đỉnh bầu; 2 đầu nhụy dạng sợi màu vàng, dài 0,2 mm, có lông trắng ngắn. Đĩa mật dạng khoen màu vàng nhạt ở đỉnh bầu. Quả bế, hình bầu dục thuôn hẹp, dài 0,3-0,4 cm, màu nâu đen, có 10 rãnh dọc; khoảng 0,1 cm phía đỉnh có các gai nạc; đỉnh có 1 cọng mảnh màu nâu nhạt (mỏ) dài 1 cm, mang 1 chùm lông màu trắng.

Hoa thức và Hoa đồ:
bồ công anh
bồ công anh
Tiêu bản:
bồ công anh
Đặc điểm giải phẫu:
Vi phẫu rễ gần tròn, vùng vỏ chiếm tỉ lệ 2/3, vùng trung trụ 1/3. Bần 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm. Nhu bì 1-3 lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm. Mô mềm vỏ gồm 2 vùng: mô mềm vỏ ngoài khuyết, tế bào hình đa giác hoặc bầu dục, kích thước to, không đều, xếp lộn xộn; mô mềm vỏ trong đạo, 9-11 lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm. Libe 1 tế bào hình đa giác nhỏ, vách uốn lượn, xếp lộn xộn thành từng cụm. Libe 2 tế bào hình chữ nhật vách uốn lượn, xếp xuyên tâm. Gỗ 2 chiếm tâm, mạch gỗ hình đa giác, kích thước không đều, xếp lộn xộn. Mô mềm gỗ 2 tế bào hình đa giác, xếp xuyên tâm, vách cellulose, một số ít vách tẩm chất gỗ. Gỗ 1 vẫn nhận ra ở tâm vi phẫu, 2 bó gồm 2-3 mạch hình đa giác phân hóa hướng tâm. Hạt tinh bột hình tròn, kích thước 2,5 - 6 µm, có nhiều trong mô mềm vỏ, rải rác trong vùng libe, mô mềm gỗ 2. Ống nhựa mủ xếp từng cụm trong vùng mô mềm vỏ và vùng libe, xếp riêng lẻ trong vùng mô mềm vỏ gần lục bì.

Lá:
Gân giữa: Lồi ở cả 2 mặt, mặt dưới lồi nhiều hơn. Biểu bì 1 lớp tế bào hình chữ nhật, vách ngoài và vách trong hơi dày, lớp cutin mỏng, có răng cưa, lông che chở đa bào rất ít, có 2 dạng: 1 dãy và nhiều dãy (2-3 dãy tế bào); lỗ khí nhiều hơn ở biểu bì dưới. Mô dày trên và dưới là mô dày góc, 1-2 lớp tế bào hình hơi bầu dục, kích thước gần đều, đôi khi giữa lớp mô dày và biểu bì có khuyết hẹp dài. Mô mềm khuyết tế bào hình tròn, kích thước to, rải rác có ống nhựa mủ. Hệ thống dẫn cấu tạo cấp 1 gồm 13-15 bó libe gỗ xếp xung quanh khuyết giữa vi phẫu, các bó ở phía biểu bì dưới to hơn, bó ở giữa to nhất, vài bó nhỏ chỉ có libe. Cấu tạo 1bó libe-gỗ gồm: gỗ ở trong, mạch gỗ hình tròn, bầu dục hoặc đa giác, thường xếp thành dãy, mô mềm gỗ tế bào hình đa giác, vách cellulose, giữa 2 dãy mạch gỗ thường là 1-2 dãy tế bào mô mềm gỗ; libe ở ngoài, 2-3 lớp tế bào sát gỗ hình chữ nhật, xếp xuyên tâm, các lớp phía ngoài tế bào hình đa giác nhỏ, vách uốn lượn, xếp lộn xộn. Trong gỗ và ngoài libe có 3-6 lớp tế bào mô dày hình đa giác, kích thước không đều, xếp lộn xộn; sát bên ngoài vùng mô dày này rải rác có một vài ống nhựa mũ.

Phiến lá: Biểu bì 1 lớp tế bào hình chữ nhật, lớp cutin mỏng, không răng cưa, lỗ khí rải rác ở 2 biểu bì, nhiều hơn ở biểu bì dưới, lông che chở giống ở gân giữa, nhiều hơn ở biểu bì trên. Mô mềm giậu, 2 lớp tế bào hình đa giác ngắn. Mô mềm khuyết, tế bào hình bầu dục hoặc hơi đa giác, vách uốn lượn, không đều nhau, có nhiều lục lạp. Bó gân phụ với gỗ ở trên, libe ở dưới.

Cuống lá:
Vi phẫu cuống lá có hình dạng và cấu tạo giống với gân giữa của vi phẫu lá, 2 bên có 2 cánh ngắn cấu tạo như sau: Biểu bì trên và dưới giống biểu bì của phiến lá, không có lông che chở; giữa 2 lớp biểu bì là mô mềm khuyết, tế bào hình tròn hoặc đa giác, bó gân phụ với gỗ ở trên, libe ở dưới.

Đặc điểm bột dược liệu:

Bột toàn cây: Bột thô, màu xanh nâu.

Thành phần: Mảnh biểu bì lá bắc, mảnh biểu bì trục cụm hoa, mảnh mô mềm lá, mảnh biểu bì cánh hoa mang lông che chở, mảnh biểu bì cánh hoa, mảnh vòi nhụy, mảnh bần ở rễ, mảnh biểu bì lá mang lỗ khí kiểu dị bào (nhìn từ trên xuống), mảnh biểu bì lá (nhìn ngang), mảnh lá đài, lông che chở ở lá, hạt tinh bột hình tròn, kích thước 2,5-6 µm, mảnh mô mềm ở rễ, mảnh mạch vòng, xoắn, vạch.

Phân bố, sinh học và sinh thái:

Loài này phân bố tập trung ở một số nước quanh Địa Trung Hải. Ở Ấn Độ, ở Malaysia, Philippin…, thường chỉ thấy ở vùng núi cao, có khi lên đến 4500 m. Cây được trồng ở Đức, Pháp, Mỹ, Ấn Độ… để làm rau ăn và để làm thuốc.

Cây ưa sáng, khí hậu ẩm mát. Ở nước ta, những vùng có Bồ công anh thấp mọc tương đối tập trung thường có nhiệt độ trung bình dưới 200C, lượng mưa từ 1500 đến 2800 mm trong 1 năm. Cây mọc rải rác hoặc tập trung thành từng đám ở vườn, các bãi trống ven đường đi, trên nương rẫy hoặc chân đá vôi. Cây mọc từ hạt xuất hiện rải rác từ cuối mùa xuân đến cuối mùa hè. Mùa hoa quả cũng rải rác trong suốt mùa hè và đầu mùa thu. Sau khi ra hoa quả, cây tàn lụi. Hạt có túm lông nhờ gió phát tán đi khắp nơi. Vòng đời cây thường kéo dài 3-5 tháng.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Taraxaci. Lá thu hái trước khi cây có hoa. Rễ thu vào tháng 6-7.

Thành phần hóa học:

Toàn cây chứa 0,98% falvonoid toàn phần: lactopicrin, taraxacin, taraxacerin, taraxasterol, cosmossin, homotaraxasterol, luteolin- 7–glucosid, β-sitsterol, stigmasrerol.

Lá và hoa có: 88,8% nước, 0,6% protein, 0,44% sợi, 1,6% phần chiết xuất bằng ether, 2,3% tro, 3,7% cacbonhydrat, 59,1mg/100g photpho, 73 mg/100g vitamin C.

Rễ chứa taraxerol. Ψ-taraxasterol, amyrin, stigmasterol.

Ngoài ra còn chứa nhựa, cao su, glucid, các đường (glucose, fructose, cymarose), acid acetic, vitamin B2. Lá chứa luteolin, violaxanthin, plastoquinon. Hoa chứa arnidol, fla voxanthin, 5-α-stigmast-7-en 3-β-pl, vitamin C, D. Phấn hoa có β-sistosterol, acid folic, vitamin E. Cánh hoa có β-sitosterol, coumesterol, carotene và đa đường.

Tác dụng dược lý - Công dụng:

Tác dụng kháng khuẩn in vitro trên các vi khuẩn Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus, Salmonellatyphi, Escherichia coli với nồng độ đến 25 µg/ml.

Tác dụng chống nấm in vitro trên Candida albican, Cryptococcus neoformans, trichophyton mentagrophytes, Microsporum canis, Aspergillus aiger với nồng độ đến 25µg/ml.


Tác dụng chống amib trên Entamoeba histolytica chủng STH đến nồng độ 125µg/ml.

Tác dụng chống sán Hymenolepis nana ở chuột cống trắng với liều 250mg/kg.

Tác dụng chống virut bệnh Ranikhet và virut bệnh đậu bò với nồng độ 0,5mg/ml.

Tác dụng trên nhịp thở và biên độ hô hấp, tác dụng trên huyết áp của chó bình thường với liều 50mg/kh.

Tác dụng trên hồi tràng chuột lang cô lập, trên tim chuột lang cô lập và trên tử cung chuột cống trắng cô lập.

Tác dụng chống ung thư trên tế bào ung thư biểu mô mũi-thanh quản người in vitro; trên tế bào ung thư bạch cầu dòng lympho, tế bào sarcom 180 và tế bào gây u gan ở chuột nhắt trắng.
bồ công anh
Công dụng:

Toàn cây Bồ công anh thấp chữa sưng vú, viêm tuyến vú, ít sữa, tiểu tiện khó, nhiễm khuẩn tiết niệu, mụn nhọt, sưng tấy, lở ngứa ngoài da. Ở Trung Quốc còn dùng chữa đau mắt, tiêu hoá kém, rắn cắn.

Ở Pháp, Bồ công anh thấp chữa rất nhiều loại bệnh khác nhau như các bệnh gan mật (viêm ống mật mãn tính, viêm gan, xung huyết gan, suy gan, vàng da, sỏi mật); các bệnh đường tiêu hoá (rối loạn tiêu hoá, kém ăn, viêm ruột kết, táo bón, trĩ); Sỏi thận, tiểu tiện khó, suy thận, tăng cholesterol-huyết, xơ vữa động mạch, béo phì; các bệnh ngoài da (mụn nhọt, chảy máu mủ, mụn cóc, eczema, trứng cá, nấm); thấp khớp, thống phong, thiếu máu, suy nhược.

Ở Bungari, cây còn dùng để chữa hen phế quản, thống kinh, mất kinh, xơ gan, loét dạ dày, phù, đái tháo đường, viêm bàng quang, bể thận.

Nguồn: Bách khoa toàn thư Y Dược



cây bồ công anh | bồ công anh | rễ cây bồ công anh | Nghiên Cứu Ung Thư Bồ Công Anh | Chiết Xuất Bồ Công Anh Ung Thư | Hiệu Quả Bồ Công Anh Điều Trị | Bồ Công Anh Apoptosis Tế Bào Ung Thư | #BồCôngAnhYHọc | #LáBồCôngAnhSứcKhỏe | #ChếBiếnBồCôngAnh | hoàng hoa địa đính | nãi chấp thảo | Ung thư ruột | Nghiên cứu ung thư mới nhất | Ung thư thận | Dấu hiệu ung thư thận | Bệnh thận | Trà lá ổi | Tiểu đường | Tim mạch | giảm câm | lá ổi tươi